Thời kỳ Phục Hưng Triết học phương Tây

Thời kỳ Phục Hưng - "khôi phục lại sự hưng thịnh" - là một giai đoạn đỉnh cao về mặt văn hóa với sức sáng tạo vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Thời kỳ này bắt nguồn từ Florence vào thế kỷ 14 rồi sau đó lan tỏa đến khắp châu Âu và có ảnh hưởng cho đến thế kỷ 17, đây được coi là cầu nối giữa thời kỳ Trung Cổ và thời kỳ hiện đại. Các tác phẩm kinh điển Hy Lạp và Latin được hồi sinh trở lại và nở rộ trong cộng đồng, ở cả khía cạnh toán học và triết học, làm lung lay ảnh hưởng của Cơ Đốc giáo.[65] Và cũng trong quá trình chuyển biến này, Chúa Trời không còn là trung tâm của thế giới nữa, vị trí này giờ dành cho chính con người; câu hỏi "chúng ta sẽ là gì khi sang thế giới bên kia" trở thành "ta đang trải nghiệm gì ở thời điểm hiện tại".[66] Phong trào lấy con người làm trung tâm này được gọi là chủ nghĩa nhân văn.[65]

Một trong những đón chí tử giáng vào uy quyền của giáo hội đến từ khoa học. Sự phát triển của những quan sát khoa học, đặc biệt đến từ những đại biểu như Bruno hay Galilei, đã làm đảo lộn hệ thống giáo lý đã được Giáo hội đưa ra trong nhiều thế kỷ trước đó. Triết học và khoa học cũng chồng lấn lên nhau rất nhiều trong giai đoạn này; nhiều triết gia nổi tiếng ở châu Âu giai đoạn này cũng đồng thời là những nhà khoa học lỗi lạc.[65]

Thời điểm này cũng chứng kiến sự trỗi dậy của hai trường phái lập luận đối lập nhau. Tại lục địa châu Âu, nhiều nhà triết học và toán học vĩ đại như Descartes, PascalLeibniz tin rằng: lí luận là cách thức tốt nhất để có thể đạt được tri thức. Chủ nghĩa cho rằng kiến thức chỉ có thể đến từ việc lí luận này được gọi là chủ nghĩa duy lí. Ở bờ bên kia, các một số những nhà triết học nổi tiếng ở Anh quốc như John Locke hay Berkeley lại cho rằng, kinh nghiệm mới là chìa khóa để đạt được tri thức; chủ nghĩa nhấn mạnh đến vai trò của kinh nghiệm (chứ không phải lí tính) này được gọi là chủ nghĩa duy nghiệm. Mặc dù khác biệt nhau về mặt tư tưởng, chủ nghĩa duy lí và duy nghiệm đều đặt con người vào trung tâm và cho rằng con người có thể đạt được tri thức, dù là qua lập luận hay trải nghiệm.[67]

Nhiều tư tưởng triết học của thời kỳ này cũng bàn về luân lí và chính trị và đưa ra nhiều học thuyết phi thường về mô hình xã hội.[67]

Một số học thuyết về chính trị

Machiavelli

Được người dân sợ thì an toàn hơn so với được người dân yêu quý...
— Machiavelli, trích từ Quân Vương